Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, có thể phát triển 15.000 ha nuôi tôm trên cát khu vực ven biển miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố, trải dài trên 1.800 km bờ biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.
Ngày 16-5, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát. Theo Bộ NN&PTNT, đến năm 2016, cả nước có 14 tỉnh, thành phố ven biển miền Trung đang nuôi tôm trên cát với tổng diện tích 3.734 ha, sản lượng đạt 41.705 tấn.
Việc chuyển đổi sang nuôi tôm trên cát sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất cát vùng ven biển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các tỉnh khu vực miền Trung.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích và đưa ra các giải pháp để việc phát triển mô hình nuôi tôm trên cát phát huy hiệu quả. Để đưa con tôm trở thành mặt hàng chủ lực của miền Trung đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các giải pháp, từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ.
Trên thực tế, nuôi tôm trên cát cũng dễ gặp rủi ro dịch bệnh nếu không kiểm soát tốt về kỹ thuật nuôi cũng như nguồn thức ăn, nguồn nước… Vì vậy, việc quy hoạch vùng nuôi tôm và đầu tư hạ tầng thủy lợi cho các khu vực nuôi cần được các địa phương xây dựng cụ thể. Cùng với đó là các chính sách để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất và chế biến tôm ngay tại miền Trung.
Nuôi tôm trên cát đã và đang góp phần quan trọng vào đời sống kinh tế-xã hội, đem lại việc làm, thu nhập cho một bộ phận lớn người dân nghèo ven biển. Hiện nay, tại một số địa phương đã phát triển mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao ít thay nước, sử dụng công nghệ Biofloc… Những công nghệ này đã giải quyết một số vấn đề như hạn chế sử dụng nước ngầm và cho năng suất cao, tuy nhiên đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu rất cao. Do vậy, nếu có cơ chế quản lý và đầu tư hợp lý, có thể tiếp tục nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị của tôm nuôi trên cát.
Theo kết quả điều tra của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (năm 2000) tiềm năng đất cát các tỉnh khu vực miền Trung là rất lớn. Toàn vùng có khoảng gần 100.000 ha đất cát, trong đó diện tích đất cát có thể đưa vào nuôi trồng thuỷ sản gần 15.000 ha, tập trung nhiều ở một số tỉnh: Quảng Bình 4.500 ha, Quảng Trị 4.000 ha, Quảng Ngãi 4.000 ha, chưa kể những gò đồi cát đang bỏ hoang.
Đây là vùng nuôi cao triều. Đối tượng nuôi chủ yếu tôm tôm chân trắng theo hình thức thâm canh và có thể nuôi được quanh năm, trừ một số thời gian có nắng nóng và có mưa bão, nên người nuôi chủ động không đầu tư hoặc thu hoạch để tránh thiệt hại.
Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu: đến năm 2020, diện tích nuôi tôm trên cát đạt 4.500 ha, trong đó hơn 50% diện tích nuôi tôm tập trung được đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thuỷ lợi; sản lượng đạt trên 60.000 tấn; năng suất trung bình đạt trên 12 tấn/ha mặt nước/vụ.
Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm trên cát đạt 7.000 ha, trong đó hơn 70% vùng nuôi tập trung được đầu tư hạ tầng hoàn thiện; sản lượng nuôi đạt trên 110.000 tấn; năng suất trung bình đạt trên 15 tấn/ha mặt nước/vụ.
Nguồn tham khảo: Báo Tuổi Trẻ.